Ngành y tế Hà Nam nỗ lực giảm rác thải nhựa
Trước thực trạng lượng rác thải nhựa ở các cơ sở y tế khá lớn, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương thực hiện giảm rác thải nhựa trong hoạt động của ngành. Ngay sau khi có chỉ thị, nhiều cơ sở y tế Hà Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Trước thực trạng lượng rác thải nhựa ở các cơ sở y tế khá lớn, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương thực hiện giảm rác thải nhựa trong hoạt động của ngành. Ngay sau khi có chỉ thị, nhiều cơ sở y tế Hà Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Nhiều người bệnh đã chủ động mang túi cá nhân đi nhận thuốc tại quầy thuốc BVĐK tỉnh thay vì sử dụng túi nilon như trước đây.

Không chỉ đi đầu trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh còn là đơn vị điển hình của ngành trong việc giảm thiểu chất thải nhựa với kế hoạch và lộ trình cụ thể. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 500-600 lượt/ngày, bệnh nhân ngoại trú trung bình từ 700-800 lượt/ngày. Khi vào khám, chữa bệnh, cứ một người bệnh thì có 2-3 người nhà đi kèm nên lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa từ người bệnh, người nhà rất lớn. 

Thống kê thực trạng phát sinh chất thải nhựa tại bệnh viện năm 2018 cho thấy, sử dụng 2.100kg túi nilon đựng thuốc, bông băng; 1.200 kg túi nilon thu gom rác và đựng tư trang người bệnh; 488.719 đôi găng tay phẫu thuật; 735.247 chiếc bơm tiêm; 194.995 bộ ống dây truyền dịch và các phụ kiện; 234.325 chai truyền dịch và các bao gói dịch tiệt khuẩn khác như túi đựng máu, túi đựng nước tiểu; 131.000 phim nhựa in ra từ chụp x-quang, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính; 28.750 chiếc mũ trùm đầu, bọc giày bằng nilon. Chỉ cần nhìn vào những con số thống kê riêng của BVĐK tỉnh cũng có thể hình dung được lượng rác thải, trong đó có rác thải nhựa tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh lớn đến mức nào.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu chất thải nhựa, bệnh viện đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 08 đến các khoa, phòng và toàn thể cán bộ, nhân viên y tế và các nhà cung cấp dịch vụ cho bệnh viện. Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chuyên môn, kỹ thuật tại bệnh viện làm phát sinh chất thải nhựa.

Thực hiện tái chế, tái sử dụng các vật liệu bằng nhựa có thể sử dụng lại. Đặc biệt, tổ chức ký cam kết giữa Ban Giám đốc với các trưởng khoa, phòng trong toàn bệnh viện và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại bệnh viện về giảm thiểu chất thải nhựa. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa không thể thay thế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa và triển khai các giải pháp phù hợp khác về giảm thiểu chất thải nhựa ngay tại khoa, phòng. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chống chất thải nhựa đến cán bộ, nhân viên y tế tại các khoa, phòng, người bệnh, người nhà bệnh nhân. Rác thải nguy hại được bệnh viện thuê Công ty ETC Nam Định vận chuyển, xử lý theo đúng quy định 1 lần/tuần.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh cho biết: Khi thực hiện chiến dịch “nói không với rác thải nhựa”, điều khó khăn nhất vẫn là thay đổi thói quen cố hữu của người dân. Khi đi thăm khám, chăm nuôi người bệnh, họ có thể mang theo rất nhiều chai lọ đựng nước, túi nilon đựng đồ, song bệnh viện chỉ có thể tuyên truyền chứ không thể nghiêm cấm họ không sử dụng. Do vậy, để thay đổi nhận thức của người dân cần phải có thời gian. Còn đối với cán bộ, nhân viên y tế đã có nội quy, quy định cụ thể của đơn vị. Công tác truyền thông vẫn luôn được bệnh viện ưu tiên hàng đầu thông qua các cuộc họp, tập huấn của bệnh viện và các khoa; trong các buổi họp hội đồng người bệnh. 

Hiện tại bệnh viện đã nói “không” với nước uống đóng chai; chỉ sử dụng cốc giấy, cốc thuỷ tinh và bình thuỷ tinh đựng nước trong các cuộc họp. Thông điệp “Bệnh viện rất cảm ơn bệnh nhân mang theo túi đựng khi lĩnh thuốc” được dán tại tất cả các quầy thuốc để nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng túi nilon và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Dùng các thùng nhựa cứng loại 120 lít đặt tại hành lang các khoa, phòng để thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải tái chế thay cho một lượng lớn túi nilon đựng rác. Nhờ đó, lượng túi nilon phát sinh từ phía bệnh viện đã giảm 4kg/tháng trong vòng 2 – 3 tháng gần đây. Cán bộ y tế không dùng găng, mũ, khẩu trang khi không có chỉ định, thay thế khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang vải, mũ vải để tái sử dụng. 

Để giảm chai dịch truyền, bơm kim tiêm, căn cứ vào tình trạng bệnh, bác sỹ sẽ tư vấn bệnh nhân chỉ tiêm hoặc truyền dịch trong trường hợp phải tiêm, phải truyền, còn không sẽ sử dụng đường uống. Bệnh viện cũng đang hướng tới xây dựng bệnh viện không phim để hạn chế rác thải từ phim chụp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại các khoa, phòng theo tuần, tháng và quý. Giai đoạn 2019-2020, bệnh viện dự kiến đầu tư khoảng 90 triệu đồng để bổ sung thêm các xô, thùng phục vụ việc phân loại, thu gom rác y tế tập trung.

Do đặc thù ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân làm phát sinh lượng lớn rác thải nhựa dùng một lần, nhất là tại các bệnh viện hay trung tâm y tế các huyện. Vì vậy, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa tại đơn vị, ký cam kết thực hiện giữa các khoa, phòng với lãnh đạo đơn vị, giữa đơn vị với lãnh đạo sở. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh về hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Cùng một lúc bỏ các vật dụng từ nhựa là không thể, do đó, trừ những sản phẩm không thể thay thế được bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, còn lại trong sinh hoạt và chuyên môn, các đơn vị chủ động xem xét cắt giảm tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy và tuân thủ nguyên tắc “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế”. Thực hiện phân loại triệt để rác thải rắn trong y tế để thu gom, xử lý theo đúng quy định đối với từng loại cụ thể. Bên cạnh những nỗ lực từ phía bệnh viện, rất cần sự hưởng ứng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để phong trào “Chống rác thải nhựa” nói chung và tại các cơ sở y tế nói riêng đạt kết quả tốt nhất.

theo baohanam.com.vn

Thông tin mới nhất

Tin tức