Biến chứng tại mắt của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Hà Nam. Người bị mắc sốt xuất huyết ngoài việc điều trị thông thường cần được khám chuyên khoa mắt sớm để phát hiện sớm các biến chứng tránh mù lòa đáng tiếc

Sốt xuất huyết đã bước vào mùa cao điểm khi số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh đang có xu hướng gia tăng. Đến ngày 14/8/2021, các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam đã ghi nhận tổng số 61 ca bệnh trong đó có 2 ổ dịch chính là phường Hai Bà Trưng và phường Minh Khai.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp cho nên chúng ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những týp khác nhau.

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đến khám tại cơ sở y tế và thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị. 

Ngoài việc nằm viện làm giảm sức lao động, đôi khi đe dọa tính mạng ở các thể nặng, bệnh còn xuất hiện thể có biểu hiện ở mắt gây đe dọa giảm thị lực trầm trọng. Biến chứng ở mắt thường xảy ra vào tuần đầu tiên khi mắc sốt xuất huyết, đôi khi xuất hiện sau khi bệnh đã khỏi.

Các thể bệnh mắt do sốt xuất huyết

Bệnh có thể xuất hiện rất nhẹ như xuất huyết kết mạc, bệnh nhân chỉ bị đỏ góc mắt, đôi khi gây cho người bệnh lo lắng hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến thị lực.

                     http://media.doisongphapluat.com/416/2015/11/25/rung-minh-bien-chung-dang-so-cua-benh-sot-xuat-huyet-3.jpg

Có thể gặp xuất huyết dịch kính ở thể giảm tiểu cầu, tuy nhiên tiên lượng của bệnh không quá nặng, có thể xuất huyết sẽ tự giảm, đôi khi cần can thiệp bằng phẫu thuật cắt dịch kính, nhưng thị lực sau phẫu thuật phục hồi khá ổn.

Thể xuất huyết võng mạc có thể ảnh hưởng một phần thị lực nếu ở ngoài vùng hoàng điểm, ảnh hưởng nhiều thị lực nếu xuất huyết rơi vào vùng hoàng điểm.

Thể bệnh gây xuất tiết vùng hoàng điểm, có thể thấy bong thanh dịch trên OCT, kèm với xuất huyết nhẹ vùng hoàng điểm. Thị lực phục hồi chậm với steroid trị liệu.

Thể viêm thị thần kinh ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực một hoặc hai bên, gây ám điểm lớn, thậm chí giảm thị lực tới đếm ngón tay. Trên lâm sàng, bệnh nhân thấy mờ mắt nhiều hay ít và có thể nhận thấy có ám điểm trung tâm. Điều trị thể này rất khó khăn, có quan điểm chỉ theo dõi bệnh nhân, có quan điểm can thiệp bằng steroid trị liệu.

Các thể bệnh xảy ra trên mắt không liên quan tới mức độ nặng của bệnh sốt xuất huyết.

Cách phòng ngừa

 

Để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, giảm gánh nặng xã hội, biện pháp tích cực nhất là chúng ta phải chung tay phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Đối với những bệnh nhân đã mắc sốt xuất huyết, cần lưu ý những dấu hiệu ở mắt, ngay cả khi chúng không gây đau nhức. Bệnh nhân nên được thăm khám sớm tại

 

BV Mắt tỉnh Hà Nam nơi có đầy đủ trang thiết bị như: máy sinh hiển vi, máy chụp đáy mắt… để có thể phát hiện sớm các tổn thương của sốt xuất huyết gây ra để có hướng điều trị, phục hồi lấy lại thị lực cho đôi mắt. Các biến chứng do sốt xuất huyết nên được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc, người bệnh có thể mất thị lực vĩnh viễn.

 

Thông tin mới nhất

Tin tức