Phòng ngừa và điều trị chấn thương mắt trong nông nghiệp
Phòng ngừa và điều trị chấn thương mắt trong nông nghiệp

Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam: Phòng ngừa và điều trị chấn thương mắt trong nông nghiệp

Nước ta có hơn 70% người dân sống bằng nghề nông. Đỉnh điểm trong vụ mùa sắp tới hay trong quá trình lao động sản xuất dễ xảy ra những tai nạn sang chấn cho mắt, tuy nhiên không biết cách xử trí hoặc chủ quan nên để lại hậu quả khôn lường

Những yếu tố nguy cơ

Những công việc nhà nông có nguy cơ gây tổn thương mắt thường gặp như: cắt cỏ, gặt lúa, đập lúa, phun thuốc trừ sâu; đặc biệt khi phơi rơm rạ, vơ cỏ lúa hay tuốt lúa bằng máy bị hạt thóc bắn vào mắt. Có thể chấn thương gây ra bởi các máy móc nông nghiệp hay công cụ sản xuất nông nghiệp khi sử dụng không thành thạo và đúng cách.

 

 

Phần nào của mắt dễ bị chấn thương nhất khi sản xuất nông nghiệp

Giác mạc là mô trong suốt, không có mạch máu nằm phía trước của lớp vỏ ngoài nhãn cầu. Nếu ví con mắt như một cái máy ảnh, thì giác mạc là một thấu kính quan trọng trong hệ thống quang học của máy ảnh đó. Giác mạc chiếm đến 2/3 lực khúc xạ của mắt, vì vậy những tổn thương trên giác mạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Giác mạc được bảo vệ bởi lớp tế bào biểu mô phủ lên trên bề mặt, ngăn các yếu tố gây bệnh không xâm nhập được vào giác mạc. Khi bị chấn thương nông nghiệp, lớp tế bào biểu mô bảo vệ giác mạc bị tổn thương, đồng thời các vi sinh gây bệnh, đặc biệt là nấm từ hạt thóc, lá lúa, côn trùng,... sẽ nhiễm vào gây viêm loét giác mạc, đây là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc.

Ngoài ra các bộ phận khác của mắt cũng có thể bị ảnh hưởng như mi mắt, hốc mắt, kết mạc, củng mạc..

 

Dấu hiệu nhận biết khi bị chấn thương mắt trong nông nghiệp

Khi bị chấn thương, người bệnh sẽ thấy mắt bị cộm chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mắt đỏ và sưng nề, rất khó mở mắt. Thị lực người bệnh giảm nhiều, trường hợp nặng mắt chỉ còn cảm nhận được ánh sáng. Khám mắt sẽ thấy: mi và kết mạc phù nề, trường hợp nặng có thể gây sụp mi mắt. Trên giác mạc có vết trợt hay ổ loét. Tùy nguyên nhân mà ổ loét có đặc điểm khác nhau. Giác mạc xung quanh ổ loét bị mờ đi (do thâm nhiễm các tế bào viêm và dịch). Tiền phòng mắt có thể có ngấn mủ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị chấn thương nông nghiệp gây viêm, loét giác mạc, người bệnh phải đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Nếu điều trị nội khoa bằng thuốc không hiệu quả hoặc trong những trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật ghép giác mạc điều trị, với mục đích thay thế giác mạc bệnh lý bằng mô giác mạc lành từ người hiến. Người bệnh tuyệt đối không được mua thuốc tại các hiệu thuốc để tự điều trị. Hiện nay, tại các hiệu thuốc có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid được bán tràn lan. Nếu người bệnh bị viêm loét giác mạc, đặc biệt là do nguyên nhân nấm mà dùng những thuốc này sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng và gây ra những biến chứng rất nguy hiểm. Hơn nữa sẽ làm chậm thời gian được điều trị thuốc đặc hiệu làm cho bệnh nặng thêm.

Để phòng viêm loét giác mạc do chấn thương nông nghiệp, người dân cần phải đeo kính bảo hộ mắt khi làm việc như gặt, tuốt lúa, tỉa cây,... để tránh chấn thương mắt gây tổn thương giác mạc. Khi bị chấn thương, tuyệt đối không day giụi mắt hay tự nhỏ thuốc vào mắt, có thể chỉ dùng nước muối sinh lý loại tra mắt để tra rửa mắt trong khi chờ khám bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam với bề dày kinh nghiệm và đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng chuyên môn cao là nơi người bệnh có thể đặt trọn niềm tin khi xảy ra chấn thương ở mắt do nông nghiệp hay các bệnh lý nhãn khoa khác.

                                                                   Ths.Bs.Nguyễn Mạnh Đạt

 

 

Thông tin mới nhất

Tin tức